Công trình quan trọng nhất của khu di tích ấp Thái Hà chính là lăng Hoàng Cao Khải. Các nhà sử học Việt Nam gọi nó là thành nhà Hồ thứ hai, còn những người Pháp thì đánh giá đây là một trong những đỉnh cao của kiến trúc đá phương Đông.
Lối vào khu lăng mộ Hoàng Cao Khải nằm đối diện với trường Đại học Thuỷ lợi, cách đường Tây Sơn 200m, trong một con hẻm ngoắt nghéo – Một công trình bằng đá nằm gọn giữa những nhà cao tầng. Nhiều người dân không biết rằng đây chính là lăng mộ đá của Hoàng Cao Khải (1850 – 1933), một đại thần dưới triều vua Thành Thái nhà Nguyễn và cũng là một nhà văn, nhà sử học của Việt Nam.
Khu ấp Hoàng Cao Khải (còn gọi là ấp Thái Hà) có tính đặc thù cao về kiến trúc, được xây dựng năm 1893 gồm 14 công trình kiến trúc lớn nhỏ như lăng mộ, đình chùa… nằm rải rác ở khu vực phía Tây gò Đống Đa. Ngày 25/11/1945, trong Sắc lệnh bảo vệ di tích cổ vật, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương giữ nguyên hiện trạng khu ấp này. Toàn bộ khu ấp đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 1962. Bộ Văn hoá lúc đó đánh giá: “Đây là chứng tích duy nhất của nước ta về một quần thể các công trình lăng tẩm, dinh thự của một phó vương”…
Khu lăng tẩm này được xem là công trình đá lớn nhất Hà Nội, và lớn thứ hai ở Việt Nam (sau Thành nhà Hồ). Lăng được xây theo kiểu chữ “Đinh”, dài tám mét, cao sáu mét, trần cách sàn hơn bốn mét. Ở giữa có một cái bàn đá màu trắng rộng. Mộ của Hoàng Cao Khải ở bên trái, của vợ ông ở bên phải, đều bằng đá cẩm thạch trắng cực đẹp, chạm trổ tinh vi, có khắc những dòng chữ Hán sắc xảo.
Toàn bộ công trình từ mái nhà, trần, các kèo, cột, cho đến nền nhà, các ngôi mộ, bệ thờ, diềm, tường và tượng các vị tướng đứng chầu ngoài sân… đều làm bằng đá, chạm trổ rất công phu với hoa văn cách điệu tinh xảo, phản ánh trình độ nghệ thuật điêu khắc đá khá cao của Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX.
Rồng đá được chạm khắc tinh xảo
Một công trình hoàn toàn bằng đá không khỏi khiến ta liên tưởng đến nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình) – một công trình cũng được đánh giá đạt tới đỉnh cao về nghệ thuật điêu khắc đá. Bên phải mộ đá Hoàng Cao Khải còn có mộ Hoàng Trọng Phu, con trai trưởng của Hoàng Cao Khải xây bằng đá xanh, đẹp và uy nghi không kém. Cách khu lăng không xa là khu đình thờ của họ Hoàng bẩy gian (lớn hơn tất cả những ngôi đình trên địa bàn Hà Nội) theo phong cách kiến trúc dân gian với mái cong hình thuyền và hệ thống vì kèo.
Đá xây dựng lăng được chở về từ phủ Quốc Oai (Hà Tây cũ). Chế tác đá là các hiệp thợ nổi tiếng quanh vùng núi An Hoạch (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa). Ở quần thể kiến trúc lăng, có thể dễ dàng nhận ra bản sắc kiến trúc thời Nguyễn cuối thế kỷ XIX, thể hiện qua các họa tiết trang trí (lá thông, lá sen, chan tang da), hai hàng lính chầu, đôi rồng đá trên bậc tam cấp với dáng vẻ dữ tợn. Các nhà điêu khắc kiến trúc sư trong và ngoài nước đã đến đây tham quan, khảo sát đều đánh giá rất cao, xem như là một di sản văn hóa vô cùng quý giá của Hà Nội.
tượng đá đã mất chân
Theo tài liệu của nhà nghiên cứu người Pháp Phillippe Papin, phía trước lăng mộ Hoàng Cao Khải hồi đầu thế kỷ XX có hai dãy tượng gồm 8 chiến binh cao 1,3m, gần bằng người thật, đầu đội mũ nhỏ có tua đứng gác. Nhưng hiện chỉ còn lại 3 bức tượng và cả 3 đều mất phần chân do bị tôn nền xi măng trùm lên. Trước đây sau lăng có đồi Nghinh Phong (Đón gió) cao mười mét. Trên đỉnh đồi dựng một nhà tam quan để hóng mát. Từ trên đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh một vùng rất rộng. Có một bậc thang xây bằng gạch đinh màu đỏ rộng đến 8 mét từ chân đồi thẳng lên đến tận nhà tam quan trên đỉnh đồi, tổng cộng có 108 bậc.
Phía trước lăng có một hồ bán nguyệt rộng vài trăm mét vuông, vòng cung hướng ra ngoài, có bờ gạch bao quanh hồ, xây gạch đinh xuống đến tận đáy. Chỉ có một lối xuống hồ duy nhất là ở chính giữa bờ thẳng phía bên trong. Trước đây nước trong hồ trong vắt và rất sâu, người dân ở quanh vùng đến gánh nước về ăn nhưng hiện nay nước đã bị đủ loại chất thải làm cho ô nhiễm.
Trước năm 1963, khu vực ấp Thái Hà thường được các trường ở Hà Nội chọn làm nơi cắm trại cho học sinh. Ngày thường ở đây rất vắng vì trong khu vực lăng chỉ có vài gia đình sinh sống ở mép rìa bên phải và bên trái phía sau lăng. Khi giặc Mỹ bắt đầu đánh bom miền Bắc, khu lăng mộ đá yên tĩnh và tuyệt đẹp này bắt đầu bị xáo trộn bởi những người không biết ở đâu đến dựng nhà và ở luôn.
Lăng Hoàng Cao Khải trong một tấm bưu thiếp xưa (ảnh tư liệu)
Vì chính quyền không can thiệp nên làn sóng người đến chiếm đất làm nhà ngày càng tăng. Tất cả các công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ trở nên tan hoang, đất bị chiếm, hồ bị lấp, cây bị chặt, đồi bị san và lăng Hoàng Cao Khải là công trình duy nhất gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.